Đánh giá Trương Tuấn (nhà Tống, sinh 1097)

Trương Tuấn từ nhỏ đã ôm chí lớn. Khi làm một chức mạc quan ở Hi Hà quân, ông đi khắp thành lũy biên thùy, quan sát hình thế sông núi; cùng các tướng lĩnh uống rượu nói chuyện, hỏi han những phương lược trấn thủ từ xưa đến nay, bàn bạc những chỗ đúng sai. Nhờ vậy Trương Tuấn nắm rõ công tác phòng bị biên thùy, sau khi triều đình chạy về nam, luôn cho rằng hình thế cõi đông nam bất lợi, muốn giành lại Trung Nguyên cần phải dời hành tại đến Kiến Khang.

Vào buổi đầu của triều đình Nam Tống, ông muốn thăng tiến, nên tích cực tham gia chỉ trích Lý Cương. Sau thất bại Phú Bình, ông vì bất đồng quan điểm mà hãm hại Khúc Đoan. Sau chiến dịch Hoài Nam, ông giành lấy binh quyền ở quân đội Hoài Tây nhưng lại sắp xếp không thỏa đáng, khiến cho tướng phản binh loạn. Theo Chu Mật, Tề Đông Dã Ngữ, trích dẫn từ Vương Minh Thanh, Huy Chủ Lục, chép: Hiếu Tông dùng lại Trương Tuấn, Đức Thọ Cung (nơi ở của Tống Cao Tông sau khi nhường ngôi, ở đây chỉ Cao Tông) nói rằng: "Đừng tin vào hư danh của Trương Tuấn, tương lai ắt lầm đại kế. Hắn chỉ đem danh dự và tài vật của quốc gia tặng cho người ta mà thôi!" Quả nhiên quân Tống thua chạy khỏi Túc Châu.

Nhưng tấm lòng kiên trung ái quốc của Trương Tuấn là rõ ràng. Theo Tống sử, Tống Cao Tông nhận xét: "Người có tài năng để làm việc thì không ít, nhưng chăm chăm vì nước. thì không ai như Tuấn." Khi đã là Thượng Hoàng, Cao Tông nói với con trai Trương Tuấn là Trương Tấn, một bậc tông sư về Lý học, rằng: "Ta và cha của khanh, nghĩa là vua tôi, tình như cha con."

Trọn đời Trương Tuấn phản đối nghị hòa, gặp phải Tần Cối và gian đảng mà lận đận hơn 20 năm. Trong lần bị biếm chức cuối cùng, trên đường đến nơi lưu đày, ông dâng sớ phản đối nghị hòa, kết thúc bản sớ còn viết: "(Hoàng) thượng như muốn dùng lại Tuấn, ngay hôm ấy lập tức lên đường, không dám lấy cớ già bệnh mà chối từ!" Tống sử đánh giá: "Ông ta nói như vậy, đúng là tấm lòng yêu vua lo nước!" Trương Tuấn còn gởi thư cho các con trai, viết: "Ta là tướng quốc, không thể khôi phục Trung Nguyên, rửa mối nhục của tổ tông, chết rồi, đừng táng bên trái mộ của tiền nhân, mà táng dưới Hành Sơn là được rồi!"

Trương Tuấn đã đề bạt rất nhiều nhân tài văn, võ, về sau là những danh thần, danh tướng một thời, đóng góp to lớn cho đất nước. Văn là Ngu Doãn Văn, Uông Ứng Thần, Vương Thập Bằng, Lưu Củng, Dương Vạn Lý… võ là Khúc Đoan, Ngô Giới, Ngô Lân, Lưu Kĩ,…

Liên quan